Bình Định từ lâu nổi tiếng với những đền tháp cổ kính đậm chất Chăm Pa thu hút nhiều du khách mỗi năm. Ấn tượng nhất trong số đó phải kể đến chính là Tháp Đôi Quy Nhơn, công trình ẩn chứa nhiều điều bí ẩn gây tò mò cho khách tham quan. Sở hữu vẻ đẹp thanh tịnh hòa quyện với nét cổ kính cùng phong cách kiến trúc độc đáo riêng trong mình. Tháp Đôi Quy Nhơn được ví như một trong những “đặc sản” du lịch của vùng đất Bình Định có văn hóa tín ngưỡng . Nằm hiên ngang giữa cái nắng và gió, công trình này tái hiện lại nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và thăng trầm của của người Chăm Pa thời xưa.
Tháp đôi Quy Nhơn ở đâu?
Tháp đôi Quy Nhơn còn được gọi là Tháp Hưng Thạnh, tọa lạc tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp đôi được biết đến là một trong 8 cụm Tháp Chăm Pa có lịch sử lâu đời tại nơi đây. Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11 – đầu thế kỷ 13, thời kỳ vương quốc Chăm Pa gặp nhiều biến động. Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, tháp đã bị phá hủy nặng nề.


Từ năm 1990 đến năm 1997, Tháp Hưng Thạnh đã được trùng tu bởi những người thợ lành nghề. Cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước và các chuyên gia đến từ Ba Lan hỗ trợ nhiệt tình. Ngày nay, Tháp đôi Quy Nhơn đã được khôi phục lại kiến trúc ban đầu và thu hút rất nhiều khách du lịch.
Kiến trúc độc đáo của Tháp đôi Quy Nhơn
Tháp đôi Quy Nhơn bao gồm hai ngọn tháp một cao một thấp đứng cạnh nhau. Toàn bộ khuôn viên của Tháp đôi Quy Nhơn có diện tích khoảng 6.000 mét vuông. Hai ngọn tháp được bao quanh bởi những thảm cỏ xanh và những hàng cây rợp bóng. Tháp Hưng Thạnh được gọi là tháp đôi bởi cụm tháp này chỉ bao gồm hai ngọn tháp đứng cạnh nhau, một cao một thấp. Trong đó tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ cao 18m. Thông thường, một cụm tháp Chăm cổ thường có 3 tháp. Nhưng không hiểu sao tại đây lại chỉ có hai tháp. Các nhà khoa học cũng chưa tìm ra lý giải cho câu hỏi hóc búa này.
Một điểm khác lạ nữa của tháp đôi Chăm Pa so với các cụm tháp khác là cả hai tháp đều không có phần chóp. Nguyên nhân là do tháp đã bị hư hại nặng nề trong chiến tranh. Tuy đã được phục chế nhưng vẫn không thể khôi phục hai phần chóp này. Ở ngôi tháp phía Bắc, phần chân tường được đỡ bởi đài sen khổng lồ tạo thành bởi những tảng đá lớn. Phần tâm sen được trang trí bởi hình các con vật quyền lực. Tháp được xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ xếp khít với nhau bằng một chất kết dính đặc biệt.
Tháp đôi Quy Nhơn được xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ


Tổng thể kiến trúc Tháp đôi Quy Nhơn không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chăm. Mà là một cấu trúc gồm hai phần chính. Khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Các góc tháp được tạo tác những tượng chim thần Garuda. Trong tư thế hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ mái tháp. Cửa chính cả 2 tháp đều quay về hướng Nam. Vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên.
Kết cấu Tháp đôi Quy Nhơn bằng gạch nung với kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Chỉ xuất hiện trong kiến trúc của người Chăm cổ. Gạch được xếp khít nhau bằng chất kết dính rồi nung thành một khối vững chắc. Họa tiết trang trí ở 2 ngôi tháp là các tượng thần. Phù điêu diễn tả các nhân vật, các vũ công với những điệu múa trong truyền thuyết Chăm. Cùng hình tượng các con vật như voi, hươu, khỉ… tất cả đều rất sinh động.
Các nhà khảo cổ học còn lưu ý thêm một điểm độc đáo của di tích Tháp đôi Quy Nhơn. Đó là việc sử dụng chất liệu đá trong thi công. Đá tảng được sử dụng rất nhiều để làm phần đế cho cả 2 tháp và chân diềm mái. Dù đã mất mát khá nhiều khi trải qua thời gian dài. Nhưng những gì còn lại hiện nay cũng đủ để xếp Tháp đôi Quy Nhơn vào hàng tiêu biểu cho loại hình kiến trúc tháp Chăm sử dụng kiểu đá này ở Việt Nam.